Cử nhân CNTT không làm CNTT
Đã hơn hai năm rưỡi kể từ ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp cử nhân CNTT, nhảy hai công ty, kinh qua khá nhiều vị trí của cuộc đời một lập trình viên. Và bây giờ, tôi ngồi viết những dòng này ở một vị trí nghe chẳng dính gì đến tấm bằng của mình: Nhân viên nhân sự (HR Executive).
Tôi gặp khá nhiều câu hỏi của bạn bè: Làm HR thiệt hả? Sao được? Lạ vậy... Thật ra xung quanh tôi rất nhiều người chọn việc trái nghề, nhiều người đang theo học quản lý, kinh doanh... Vừa rồi trong hội chợ việc làm, nghe Phương, một sinh viên "nghìn đô", nói chuyện, tôi càng thêm tự tin rằng việc chọn trái nghề không phải là một điều kì dị, mà có thể là kì diệu (hơi quá một tí).
Từ nhỏ, ai hỏi “lớn lên làm gì”, tôi luôn có sẵn câu trả lời, “chuyên viên lập trình”.Hình ảnh của tôi về mình sau này: “tóc tai bù xù, kiếng dày, ôm cái máy tính, làm việc say sưa trong phòng tối”. Những năm tháng ĐH, tôi phấn đấu với tất cả niềm đam mê với nghề lập trình viên. Nhưng chính trong giai đoạn ấy, tôi thấy mình còn có những ham thích về quản lý, về kinh doanh, về quan hệ giao tiếp. Cách học, cách làm việc của tôi cũng có sự thay đổi đáng kể vì những ham thích này. Những giờ học Quản trị doanh nghiệp tuy ít ỏi nhưng đã thổi lên một ngọn lửa, ngọn lửa làm thay đổi con đường nghề nghiệp mà mình chọn. non-IT (Không phải CNTT).
Tôi sẽ viết lại những gì đã làm và dự định làm dưới đây như một sự chia sẻ rất “Departure”. Có thể bạn có cùng suy nghĩ hoặc ngược lại.
Thời sinh viên sôi nổi
Dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động Đoàn – Hội, nhóm, rèn luyện các kĩ năng mềm. Tôi chọn bộ môn HTTT (Hệ thống thông tin) các bạn ạ. Thời tôi học, HTTT không “đắt” như CNPM (Công nghệ phần mềm) hoặc “bác học” như CNTT (Công nghệ tri thức). Đó là quyết định đúng của tôi. Vì ở HTTT, tôi đủ khả năng để vừa học tốt và xông xáo hoạt động. Những hoạt động cho tôi quá nhiều. Tin tôi đi, chỉ khi ra khỏi trường, bạn mới thấy được hết những gì mà chúng đem lại. Àh, đừng quên cố gắng để có một suất làm Luận văn. Đối với nhiều người, Luận văn không là gì, nhưng đối với tôi và đồng sự của tôi, nó đem lại: sự tự tin, kiến thức, thành quả, kỉ niệm, sự gắn bó với thầy cô, với bạn bè, với gia đình...Nhiều lắm!
Hăm hở tốt nghiệp
Với những hoài bão trên ghế nhà trường, tôi hăm hở bước vào “đời coder”. Thích làm một người quản lý kinh doanh giỏi về chuyên môn nên tôi muốn (“phải” có lẽ chính xác hơn) bắt đầu từ mức thấp nhất: Developer. Và tự nhủ sẽ kinh qua thật nhanh các vị trí cao về chuyên môn.
Tôi chọn một hướng và phấn đấu để trở thành “expert”(thật giỏi). Nạp kiến thức theo bề rộng càng nhiều càng tốt. “Quan sát” - Đây là điều tôi luôn nhắc mình làm khi đi làm. Quan sát để học, quan sát để lấy làm vốn của mình. Nói cách khác là “chôm” kiến thức một cách hợp pháp. Những thứ có thể “quan sát” : tổ chức, phong cách làm việc, qui trình làm việc...
Đây là thời điểm quan trọng sau khi ra trường. Bạn sẽ trả lời được những câu hỏi: Mình làm được gì? Mình đang ở đâu? Mình đã học được cách làm việc chưa? Mình đủ tiền để bước tiếp chưa? Bạn vượt qua tất cả các câu hỏi, bạn nên bước tiếp. Tôi tốn hơn hai năm để trả lời. Lúc đó, tôi đã ở một vị trí đủ tầm về kĩ thuật (ít nhất là Leader).
Chuyển hướng
Thời gian trung gian để chuyển hướng rất quan trọng. Tôi dự định dành sáu tháng đến một năm cho khoảng thời gian này để trả lời nhiều câu hỏi, để chuẩn bị mình. Làm công việc gì bây giờ? Kinh nghiệm làm kĩ thuật cho thấy, dự án chiếm hầu hết thời gian, khó có thể làm gì khác ngoài chuyện trang bị thêm kiến thức cho dự án hoặc xả stress. Vì vậy, khi chuyển hướng, bạn nên chủ động tìm một vị trí công việc khác mà ở đó bạn có:
- Thêm thời gian để xem lại thời gian đã qua. Đây là điều rất cần cho những bước tiếp khôn ngoan.
- Thêm thời gian để nạp thêm kiến thức mới, về kinh doanh, về quản lý. Theo học những khóa học có cấp chứng chỉ vì bằng cấp khá có lợi cho những người “tay ngang”.
- Thêm tiền để có thể trang trải cuộc sống trong quãng thời gian tới.
Lúc này đang là dân kĩ thuật, hãy chọn công việc nào có thể “xài” được chừng ấy kinh nghiệm. Có hai loại công việc tôi thấy khả thi:
Part-time Consultant (Tư vấn bán thời gian). Có thể “xài” kinh nghiệm về kĩ thuật, đặc biệt là lĩnh vực mà mình “expert”. Lương khá, vì trả cho “kinh nghiệm chuyên gia” mà. Thời gian, khá. Nên chọn một công ty vừa vừa, đừng quá lớn, tránh trường hợp áp lực công việc quá cao và bạn lại trở về con đường kĩ thuật “ngày xưa”. Có thể nhận dự án ngoài và phối hợp cùng nhiều Developer khác cùng làm. Tất nhiên bạn sẽ ở vị trí Leader hoặc PM (Quản lý dự án).
HR Executive (Nhân viên nhân sự): Bạn có thể xin làm nhân viên nhân sự của chính công ty đang công tác hoặc một công ty tin học khác. Ở đó, bạn có thể nạp thêm kiến thức và kinh nghiệm về quản lý và vừa có thể vươn tay đóng góp cho đội ngũ kĩ thuật nếu cần. Nhân viên nhân sự còn có thể mạnh là được giao tiếp với “thế giới bên ngoài” nhiều hơn một nhân viên kĩ thuật.
Như vậy, tổng cộng tôi tốn 3 năm để đến được vị trí bước đệm. 3 năm để vùng vẫy với những đam mê của nghiệp coding. Phía trước là những chặng đường mới đầy rẫy thử thách. Con đường của bạn có thể khác của tôi. Nhưng mỗi thử thách luôn đi kèm với một thành công. Nói như một người bạn: “lựa chọn và hết mình với lựa chọn, sẽ thành công”. Tôi đã lựa chọn và hy vọng một ngày ngồi viết tiếp “cử nhân CNTT làm Marketing Manager” hay một thứ gì khác khác...
Hoàng Minh Ngọc Hải
|