Những bài học từ Adam Khoo
Adam Khoo | adam-khoo.com
|
Bỏ ra 1800 SGD để tham gia một khóa học trong bốn ngày, người bạn trẻ không những cảm thấy tiếc, mà còn cho rằng đây là một trong những đầu tư thành công nhất của mình từ trước đến giờ. Đó là Nguyễn Tuấn Anh, kỹ sư công nghệ thông tin của ĐH quốc gia Singapore (NUS), thành viên người Việt đầu tiên trong văn phòng Yahoo! khu vực Đông Nam Á, cựu sinh viên trường Phổ thông năng khiếu TPHCM và Khoa CNTT ĐHKHTN.
Nguyễn Tuấn Anh cho rằng mình không hề thấy tiếc khi bỏ ra 1800 SGD để tham gia một khóa học chỉ trong bốn ngày, và có lẽ với anh, đây là một trong những đầu tư thành công và giá trị nhất từ trước đến nay. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà đó lại là một khóa học người dạy tự tin khẳng định rằng sẽ hoàn trả 100% lệ phí cho học viên nào cảm thấy không hài lòng. Qua 4 ngày học, bằng những ví dụ sống động trong thực tiễn cũng như lý luận, Adam Khoo đã thuyết phục được mọi người hay ít ra là anh bạn của chúng ta rằng phải suy nghĩ, hành động như thế nào và trở thành người như thế nào.
Không viết ra mục tiêu và những hứng thú cá nhân
Một bài học của Adam Khoo: người ta thường không bao giờ đạt được những mục tiêu mình đề ra trong năm mới, bởi vì họ chẳng hề viết nó ra. Và cho dù có viết thì lần kế tiếp đọc lại là… ngày đầu tiên của năm sau. Đó là lý do tại sao trong phòng Tuấn Anh bây giờ có hẳn một bảng, dán ảnh tất cả những mơ ước của anh chàng như nhà, xe, Donald Trump...
Adam Khoo khẳng định rằng, khi được làm điều gì mình thật sự quan tâm và có hứng thú, người ta sẽ chẳng bao giờ thấy mệt mỏi. Ví dụ như nhiều bạn nữ có thể đi mua sắm không chán, nam thì có thể chơi games suốt 10 tiếng đồng hồ không ăn uống gì. Và trong khi đó, có người đọc sách giáo khoa cả ngày không hết một trang.
Không phải Tiền bạc, mà là Giá trị
Có một điểm chung khác giữa Adam Khoo, Tuấn Anh và người tổng hợp bài này, đó là việc đặt mục tiêu công việc là những giá trị chứ không phải tiền bạc. Chúng tôi đều tin và đã trải nghiệm thực tế rằng, khi mình làm hết sức vì những giá trị, tiền bạc tự nhiên sẽ đến. Một người thầy thật sự muốn giúp sinh viên tiến bộ, tiếp thu được nhiều kiến thức, thì sẽ trở thành người thầy giỏi nhất; một nhân viên chăm sóc khách hàng thật sự muốn làm thân chủ của mình vui vẻ hài lòng sẽ dễ dàng đoạt giải thưởng cho công việc của mình, mặc dù giải thưởng không phải là điều người nhân viên đó nhắm đến. “The universe has plan, just do what you love and everything will come.”, Tuấn Anh khẳng định mình tin vào điều đó vì đã trải nghiệm rất nhiều lần.
Thay đổi giới hạn lòng tin
Một kỹ thuật khác mà Tuấn Anh tâm đắc là thay đổi giới hạn của lòng tin. “Lòng tin” là một từ có tính chất tưởng tượng để chỉ điều mà chúng ta nghĩ là sự thật. Mà chính vì chỉ là điều chúng ta nghĩ nên có khi lại không phải là sự thật. Đó là khởi điểm cho một kỹ thuật đơn giản nhưng đầy quyền năng: chúng ta có thể lựa chọn để tin tưởng vào điều gì đem đến thuận lợi cho mình.
Adam Khoo từng tin rằng mình học môn Toán dở tệ, nên anh chán học và đương nhiên điểm môn này cũng chẳng khá nổi. Hãy nghĩ lòng tin như cái mặt bàn với nhiều chân được gắn vào, mỗi chân là một cơ sở của lòng tin đó. Như vậy cái mặt bàn lòng tin của Adam Khoo là: anh ta rất dở Toán. Và những lý do khiến anh nghĩ vậy gồm:
a. Anh chẳng thể hiểu nổi phép nhân
b. Anh thừa kế “gen dở Toán” từ mẹ (mẹ anh nói vậy)
c. Anh luôn trả lời sai trong lớp
d. Và luôn kém trong các bài kiểm tra
Để thay đổi, anh phải thay đổi lòng tin của mình trước. Và để bẻ gãy mặt bàn, đầu tiên phải bẻ gãy các chân bàn, bằng cách phủ nhận các bằng chứng trên:
a. Anh chẳng thể hiểu nổi phép nhân: có thể là do giáo viên không có kỹ năng truyền đạt.
b. “Gen dở Toán”: không đúng, nhiều người bạn anh là con của những công nhân bình thường hoặc thậm chí chẳng đậu được vào trường tiểu học, nhưng vẫn khá môn Toán.
c & d: Anh luôn trả lời sai vì không dùng đúng phương pháp, hoặc không “thử” nghĩ về hướng trả lời đúng.
Và bây giờ thì lòng tin của anh về môn Toán đã bị lung lay, anh xây dựng lòng tin mới: Adam Khoo là thiên tài Toán học(!). Sau đó anh bắt đầu lắp các “chân” mới vào mỗi khi tìm ra được một ví dụ minh chứng cho điều đó.
Có thể bạn cho rằng đây là trò lừa phỉnh bản thân. Nhưng lấy ví dụ khi vừa tách ra khỏi Malaysia,Singaporelà một nước nghèo và không có tài nguyên thiên nhiên nhưng lại nhiều các cuộc nổi loạn chủng tộc. Chỉ có 1 người có lòng tin “ngớ ngẩn” rằng “Singapore sẽ là số 1”, đó là Lý Quang Diệu. Một người dân Việt Nam khác đã tin rằng Việt Nam đủ sức đánh bại các đế quốc mạnh hơn mình nhiều lần, và giành lại độc lập, và người đó là Hồ Chí Minh. Đương nhiên họ là những vĩ nhân, nhưng nếu không có lòng tin như vậy, họ sẽ không đạt được những điều chúng ta thấy hôm nay.
Tuấn Anh còn kể thêm một vài bài học khác mình có được từ khóa học:
- Hằng ngày tôi đều vui vẻ đi làm, không có suy nghĩ tiêu cực nào có thể ở trong đầu tôi quá một phút.
- Thay đổi thái độ trong công việc, sắp xếp lại công việc một cách có tổ chức hơn: dọn dẹp bàn làm việc, lập kế hoạch cẩn thận, trả lời email nhanh chóng và có trách nhiệm.
- Loại bỏ từ “cố gắng”. Trong lớp học, mỗi lần ai nói từ này sẽ nộp 5 SGD. Sau 4 ngày, lớp có hơn 1500 SGD, đủ để ăn trưa và ăn tối cho cả lớp.
Nguyễn Tuấn Anh:
- Kỹ sư công nghệ thông tin của ĐH quốc gia Singapore (NUS), hiện làm việc cho văn phòng Yahoo! khu vực Đông Nam Á. 1 trong 13 cá nhân, tập thể thanh niên tiêu biểu đạt giải thưởng “Mãi mãi tuổi 20” (Quĩ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp với Đài truyền hình VN tổ chức tháng 8/2006) cho việc thực hiện dự án Việt hóa Yahoo, tạo cơ hội tốt hơn cho người Việt Nam tham gia vào một trong những mạng liên lạc lớn nhất qua Internet.
Adam Khoo:
- Một doanh nhân, một tác giả có các cuốn sách bán chạy nhất Singapore và một nhà thuyết giảng tài ba. Một triệu phú ở tuổi 26, sở hữu và điều hành 3 doanh nghiệp với tổng doanh thu hàng năm 20 triệu đôla. Là CEO của Adcom Pte Ltd, một Cty quảng cáo. Đồng sáng lập của Event Gurus Pte Ltd, một công ty tổ chức sự kiện, đồng thời là CEO của Adam Khoo Learning Technologies Group Pte Ltd.
|
Cao Thị Thùy Liên